Thư pháp chữ Hán và chữ Nôm Thư pháp Việt Nam

Thư pháp chữ Hánchữ Nôm nhìn chung là tương đồng với Trung Quốc. Tuy nhiên, một số tư liệu như trong Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn hay Vũ Trung Tùy bút của Phạm Đình Hổ cũng có nhắc đến một cách sơ lược và phân biệt lối viết chữ Hán của người Việt và người phương Bắc.

Danh sĩ thời Lê-Nguyễn Phạm Đình Hổ đã nhắc tới một lối viết chữ của người Nam dưới thời Lê mà ông gọi là "Nam tự" và được ông đưa ra so sánh với lối chữ của người phương Bắc mà ông gọi là Bắc tự[1]. Lối chữ này vẫn còn được thấy trên rất nhiều sắc phong, văn bia,... còn lại từ thời Lê. Học giả Nguyễn Sử cho rằng để đạt được sự thống nhất về lối chữ Nam phải kể đến vai trò của vua Lê Thánh Tông trong cuộc cải cách hành chính mà ông đề ra[2]. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại các sắc lệnh về việc thống nhất lối chữ viết quan phương như sau: năm Quang Thuận thứ 9: "Sắc chỉ Lễ bộ quy định các dạng thức văn tự dân gian, ban hành thiên hạ"; năm Hồng Đức thứ 8: "Sắc chỉ các vệ nha môn, dùng lối chữ hoa áp, phải kính cẩn tuân phụng thi hành." Đặc điểm của lối chữ hành chính thời Lê là nét ngang bằng, thẳng, giấu đầu che đuôi, các nét cuối thường có xu hướng hất lên trên và càng về sau xu hướng này càng khoa trương và độ khó trong việc vận bút đã cao hơn hẳn ở thời MạcLê Trung Hưng[2].

Ở thời Lê Trung Hưng, lối chữ Nam này đã hoàn thiện với đặc điểm "đầu cong chân quẹo"[1], cách dụng bút hiểm hóc, kết thể thu chặt vào trong, dường như tuân theo khối tròn chứ không nằm trong hình vuông như chữ Khải thông thường[2]. Bắt nguồn từ việc dùng trong hành chính, nhưng lối chữ này dần dần được dùng cho cả hoành phi, câu đối, văn bia,.. ở các chùa và gần như thống trị thư đàn thời Lê Trung Hưng. Phạm Đình Hổ cho biết: "...những giấy tờ ở chốn cửa công thì dùng riêng một lối chữ Nam, lúc đầu là phòng dân gian làm giả mạo, mới theo hoa văn đặt ra một lối chữ việc quan. Ai học theo lối chữ ấy, thì sáu năm một lần, thi trúng tuyển được sung vào làm chân thư tả ở trong các nha môn"[3]. Theo Việt sử toát yếu, thời Lê thi viết gồm 3 phần thi: Đại thư, Tiểu thư và Lệnh thư. Lối chữ Lệnh thư được nhắc đến này có thể chính là lối chữ dùng trong sắc lệnh, hành chính. Cuối thời Lê, việc yêu thích lối chữ phương Bắc của chúa Trịnh Sâm[1] đã đẩy thư pháp quay lại với nhiều phong cách tự do hơn, xóa tan một thời kỳ dài chỉ dùng một lối chữ bản địa dập khuôn. Lối chữ viết Nam tự thời Lê, tuy xuất phát từ mục đích thực dụng trong việc ghi chép của quan phương, nhưng cũng đã tạo nên một dấu ấn nghệ thuật đặc sắc cho thư phong Việt Nam trong tổng thể thư đàn Á Đông.

Việt Nam có tứ đại thư pháp gia hay còn được gọi là "Tứ trụ" thư pháp Việt Nam. "Tứ trụ" thư pháp Việt Nam hiện đại gồm:

  • "Thanh Hoằng Khê" Lê Xuân Hòa (đã mất)
  • "Lỗ Công" Nguyễn Văn Bách (đã mất)
  • "Vĩnh Nguyên" Lại Cao Nguyện
  • "Nam Ba Cầm Văn" Cung Khắc Lược